Khoá Thăng Tiến Lãnh Đạo, Phó Tế Phaolô – Maria Đức Tuấn

(Ngày 28 và 29 tháng 8, năm 2021)

Cùng Mẹ Maria, người Cursillista bước đi với Thần Khí

Trích thơ Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Galata (6:1-11)

1 Hỡi anh em, ví thử có ai mắc phải tội nào, thì anh em, những người được thần khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hòa mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng, biết đâu chính mình cũng bị cám dỗ. 
2 Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là chu toàn Luật Ðức Kitô. 
3 Thật vậy, ai tưởng mình là gì, mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình đó thôi. 
4 Mỗi người hãy xem xét việc làm của chính mình, và bấy giờ sẽ có lý để hãnh diện vì chính mình, chứ không phải vì so sánh với người khác. 
5 Quả thế, mỗi người phải mang gánh nặng của riêng mình.
6 Người được học Lời Chúa, hãy chia sẻ mọi của cải với người dạy dỗ mình. 
7 Anh em đừng có lầm tưởng! Thiên Chúa không để cho người ta nhạo báng đâu! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. 
8 Ai theo tính xác thịt mình mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt, là sự hư nát. Còn ai gieo theo Thần khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được hậu quả của Thần khí, là sự sống đời đời. 
9 Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí; vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng.
10 Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em cùng trong đại gia đình đức tin.

Người cursillista nào cũng nằm lòng câu phương châm: “Một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh chị em.”

Phương châm này muốn diễn tả điều gì? Đó là lời mời gọi mỗi cursillista cần tập trung vào hai giới răn căn bản nhất của Kitô giáo: “Mến Chúa, Yêu Người.”

– Một tay nắm lấy Chúa để thực hiện giới răn Mến Chúa.
– Một tay nắm lấy anh chị em để thực hiện giới răn Yêu Người.

Sống theo phương châm này là chúng ta “tiến bước với thần khí”. Vậy, tíến bước với thần khí như thế nào?

Tôi còn nhớ, trước khi lãnh nhận chức phó tế vĩnh viễn, Đức Giám mục hỏi các ứng viên câu hỏi cuối cùng này, và câu trả lời phải ít nhất là 3 trang: Ai là người lý tưởng cho bạn sống đời sống của người phó tế? Hay nói một cách khác, ai là thần tượng của đời sống phó tế của bạn?

Người thì chọn thánh bổn mạng mình; người thì chọn thánh Phaolô, thánh Giuse, Mẹ thánh  Teresa Calcutta,… Còn tôi, tôi đã chọn Mẹ Maria là mẫu gương cho đời sống phó tế của tôi.

Hôm nay tôi cũng hỏi các bạn: Ai là người lý tưởng cho bạn để giúp bạn tiến bước với thần khí?

Tôi giới thiệu bạn Mẹ Maria. Mẹ là mẫu gương tuyệt vời tiến bước với thần khí, để chúng ta noi theo. Mẹ là mẫu gương sống câu phương châm: “Một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh chị em.”Theo Mẹ, sống phương châm này là chúng ta “tiến bước với Thần khí”

 

1. Sống theo Thần Khí

 

Được Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội từ khi là bào thai trong lòng bà Anna, Mẹ đã được sinh ra trong Thần Khí, lớn lên trong Thần Khí, nên Mẹ không bị tính xác thịt chi phối, Mẹ đã “tắm” cuộc đời Mẹ trong Thần Khí, nên Mẹ đã thưa lời “Xin Vâng” khi sứ thần đến truyền tin cho Mẹ.

 

Thánh Phaolô đã chứng minh điều này khi viết: “Thật vậy luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Giêsu Kitô đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8,2). Mẹ Maria đã được giải thoát khỏi tội.

 

Thánh Phaolô trong thư gởi cho Galata đã viết: “Anh em hãy sống theo Thần Khí và như vậy, anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa.” (Gl 5,16)

 

Chúa Thánh Thần soi sáng trí lòng, sưởi ấm tâm hồn, thúc giục chúng ta làm điều lành, tránh điều xấu, điều dữ, nếu chúng ta sống theo Thần Khí.

 

Trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, Thánh Thần đã đến và ở trong chúng ta, qua nước và xức dầu. Nhớ lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và ông Nicôđêmô, Đức Giêsu nói với ông: “Thật, tôi bảo thật ông: “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là thần khí.” (Gio 3, 5-6)

 

Thánh thần như hạt giống nhỏ bé đã được gieo vào lòng chúng ta. Và hạt giống ấy dần dần lớn lên theo tuổi tác và trưởng thành để được sinh hoa kết quả TỐT.  Chúng ta nhớ hạt giống ban đầu là hạt giống TỐT. Sau này nếu có trở thành hạt giống XẤU là không phải của thần khí, mà là của xác thịt; vì ai đi trong thần khí sẽ sinh hoa quả tốt.

 

Thánh Phaolô cũng vừa mới nói với chúng ta: “ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mình mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt, là sự hư nát. Còn ai gieo theo Thần khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được hậu quả của Thần khí, là sự sống đời đời.” (Gal 6, 7-8)

 

Chúa Thánh Linh làm cho chúng ta thánh thiện, mời gọi chúng ta nên thánh, trở nên một con người thánh thiện. Như vậy, khi chúng ta đã hiểu rõ: “nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8, 11);

 

Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa ban Thần Khi sự sống cho bản thân, để có đủ sáng suốt và dũng khí tiến bước theo Thần Khí.

 

Vâng, “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước.” (Galata 5, 24-26).

 

2. Vâng phục Ý Chúa

 

Chúa là Thần Khí, và ở đâu có Thần Khí của Chúa, thì ở đó có tự do (x. 2Cr 3, 17). Mẹ được tự do hoàn toàn để đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua biến cố truyền tin (x. Lc 1, 38a), và trải dài trong suốt cuộc đời của Mẹ với bao biến cố sầu khổ đau thương. Nhờ Thánh Thần, Mẹ nhận ra con đường cứu độ của Con Mẹ là con đường Thập Giá để đến vinh quang, nên Mẹ âm thầm ghi nhớ mọi Lời Chúa nói, mọi việc Chúa làm và can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường khổ giá.

 

Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta hôm nay: “Quả thế, mỗi người phải mang gánh nặng của riêng mình.” (Gal 6, 5)

 

Gánh lấy phần của mình là nhận thưởng hay nhận phạt cho mỗi việc làm của mình. Mỗi người trong mỗi hội đoàn, đoàn thể, giáo xứ, đều có một vị trí và chức năng khác nhau, để gây dựng đoàn thể, hội đoàn, giáo xứ mình.

 

Mỗi người sẽ được khen thưởng hay bị quở trách tùy thuộc vào tấm lòng vâng phục, phục vụ của mình.

 

Thánh Phaolô còn khuyên rằng:  “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa chứ không phải làm cho người đời. Hãy biết rằng, anh chị em sẽ được nhận phần thưởng Chúa ban, vì anh chị em phụng sự Người, là Đức Kytô.” (Côlôsê 3:23-24).

 

Trong thư gởi cho Rôma, Thánh Phaolô nói: “Người làm việc thì sẽ lãnh tiền công cho việc làm của mình. Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rôma 6:23). Tiền công của sự vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa và yêu lẫn nhau là sự sống đời đời (Math 19:16; 25:46; Mc 10:30; Luca 18:30).

 

3. Quan tâm đến người khác

 

Mẹ luôn quan tâm đến nhu cầu của những người chung quanh. Như việc Mẹ đến thăm bà Elizabeth khi nghe thiên thần cho biết người chị họ son sẻ mà có thai; và Mẹ còn ở lại giúp đỡ bà ba tháng nữa. Cũng như trong tiệc cưới tại Cana, Mẹ đã can thiệp kịp thời khi chủ tiệc hết rượu, mà duy chỉ mình Mẹ nhận ra, Mẹ nói với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi.”

 

Chúng ta “tiến bước với thần khí” cần học nơi Mẹ sự quan tâm đến nhu cầu của những người sống chung quanh và sẵn sàng đưa tay giúp họ với một tình yêu vô vị lợi. Xã hội ngày nay người ta chỉ phục vụ khi có lợi nhuận hay chức quyền, chứ khó tìm thấy người phục vụ một cách vô vị lợi.

 

Thánh Phaolô nói với chúng ta hôm nay: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí; vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng. Vậy bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em cùng trong đại gia đình đức tin.” (Gal 6, 9-10)

 

Sống trên đời, phải có sự tương quan, liên đới. Nhưng – như là tự vấn lương tâm – trong tương quan, liên đới với những người chung quanh, bạn và tôi đã mang gì đến cho họ? Có khi nào sau cuộc gặp gỡ, viếng thăm, trao đổi, người tôi gặp trở về nhà với tâm hồn nặng trĩu những dằn vặt, những đau đớn bởi những lời nói, cử chỉ, hành động thiếu tình bác ái, vị tha của tôi?

 

Mẹ Maria đã mang Chúa Cứu Thế đến cho gia đình ông Giacaria. Chúng ta cũng được mời gọi đem Chúa là niềm vui ơn cứu độ đến với những người chung quanh, chứ không phải mang đến cho họ những hiềm khích, chỉ trích gây đau đớn, khổ sầu cho họ.

 

Trong một thế giới đầy dẫy những khổ đau, thì cần lắm, rất cần những tâm hồn đạo đức cưu mang Chúa và những đôi chân nhiệt thành ra đi loan truyền lòng xót thương của Chúa cho con người.

 

Nhân loại hôm nay đang thiếu những tâm hồn vui tươi và bình an trong một lối sống tự nhiên và giản dị, đang thiếu những tâm hồn khiêm tốn, độ lượng, tĩnh lặng nhưng đầy yêu thương. Phương dược để xoa dịu nỗi lòng nhân thế là cuộc gặp gỡ với lòng thương xót của Thiên Chúa và kiếp nhân sinh cần được xót thương. Cuộc sống mỗi người cần có một lý tưởng để vươn đến. Lý tưởng nào đẹp cho bằng đời dấn thân phục vụ. Phục vụ còn ý nghĩa gì, nếu không phải là cho tha nhân niềm vui, bình an và tình yêu của Chúa.

 

Câu chuyện: Tội vô tình.

 

Có một tu viện công giáo, trước kia rất sầm uất, như một trung tâm thu hút khách hành hương. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác gì như ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thưa thớt, cuộc sống thật buồn!

Tu Viện Trưởng tìm hiểu nguyên nhân hay lỗi lầm gì đã đưa tu viện tới tình trạng thảm thương này. Có vị Ẩn Sĩ cho biết:

– “Tội đã và đang xảy ra trong cộng đoàn đó là tội Vô Tình.”

Và ông giải thích:

– “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quí vị, nhưng quí vị không nhận ra Ngài.”

Nhận được lời giải đáp, Tu Viện Trưởng liền triệu tập mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà.

Các tu sĩ mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy?

Và từ đó mọi người đều sống “Liên đới-Trách nhiệm,” đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế.

Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện.

Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn (Trích món quà Giáng sinh).

 

Nghĩa là hãy sống tinh thần “Liên đới – Trách nhiệm và Yêu thương – Phục vụ.” 

 

4. Lên đường

 

Mẹ đầy Thánh Thần, và do Thần khí thúc đẩy, Mẹ cưu mang Giêsu và hăng hái lên đường đến nhà chị họ Elisabeth. Mẹ đã bước ra khỏi sự ấm êm của gia đình, sự chăm sóc nâng niu khi người phụ nữ mang thai con đầu lòng, Mẹ cũng không sợ cảnh ốm nghén trong ba tháng đầu thai kỳ và giai đoạn này nếu không cẩn thận rất dễ sảy thai. Không rõ Mẹ lên đường cùng với ai, nhưng Mẹ không hề sợ, cứ đi theo tiếng gọi “lên đường” của thần khí. Mẹ không ngại đường đi xa xôi, leo núi băng rừng. Mẹ không chùng bước trên con đường đá sỏi gập ghềng. Mẹ đem Thánh Thần, đem Giêsu Đấng cứu độ đến nhà Giacaria để khơi dậy sức sống mới và niềm vui cho gia đình chị họ cũng như những người lân cận. “Bà Elisabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên và bà được đầy tràn Thánh Thần.” (Lc 1, 41)

 

Cũng vậy, sau Lễ Ngũ Tuần các môn đệ cũng mở tung cửa để đến với muôn dân hăng say loan báo Tin Mừng cho mọi dân nước. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của mọi công cuộc truyền giáo.

 

Tiến bước với thần khí, chúng ta “lên đường”. Lên đường là chỗi dậy ra khỏi cuộc sống, sinh hoạt thường nhật của mình, ra khỏi những ràng buộc vật chất lẫn tinh thần, mà can đảm đổi mới cuộc đời. Lên đường là bước vào cuộc phiêu lưu tràn đầy hy vọng, nhưng lắm chông gai, thử thách và đau khổ.

 

Lên đường hay Ra đi còn là từ bỏ mình, bỏ lại tiện nghi, nhu cầu, ham muốn, đam mê, cũng như ý riêng, để vâng theo Thánh Ý Chúa, Thần khí Chúa, hiến dâng toàn thể thân xác và tâm hồn cho Chúa và cho tha nhân.

 

Lên đường, Mẹ đã chẳng quản ngại đường xá xa xôi, cách trở, nguy cơ bắt cóc, cướp bóc, và có thế chết. Mẹ vẫn ra đi, không hề do dự, không cân nhắc, cũng chẳng cần trang bị, vì Mẹ được tràn đầy Chúa Thánh Linh, được thúc đẩy của Thần khí Chúa. Mẹ chỉ biết một điều là chi họ Elizabeth cần mình.

 

Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta hôm nay: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là chu toàn Luật Ðức Kitô.” (Gal 6, 2).

 

Luật Đức Kytô là luật yêu thương!

 

5. Phục vụ

 

Mẹ ra đi chẳng phải để tìm kiếm lợi danh, hay công bố, khoe khoang, kiêu hãnh được hồng ân làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng mà để âm thầm, yêu thương phục vụ. Mẹ ở lại với chị họ Elizabeth ba tháng để giúp đỡ, để phục vụ. Mẹ quên gánh nặng của mình để mang gánh nặng của người khác. Mẹ làm gương cho con mình là Đức Giêsu sau này cũng đã nói lên: “Ta đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” ( Mt 20, 28 ).Và Đức Giêsu còn dạy các tông đồ nữa rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,36).

 

Lời khuyên dạy của Mẹ Thánh Têrêsa Calcuta: “Chúng ta cũng phải bắt chước Mẹ Maria như thế, nếu chúng ta muốn trở nên một cộng sự viên thực sự của Chúa Giêsu. Chúng ta phải đón nhận Chúa Giêsu, chúng ta phải đón nhận tình yêu thương và sự thiện hảo của Ngài, và lòng chúng ta phải cháy lên một sự khao khát, muốn đem Chúa Giêsu trao ban cho người khác.” 

 

Phục vụ như thế nào?

 

– Phục vụ trong tinh thần hiệp nhất; vì chúng ta có cùng một “cha”: Lạy cha chúng con ở trên trời

– Phục vụ vô vị lợi (phục vụ trong tinh thần “vị tha – vì người”, hơn là “vị kỷ – vì mình”);  

– Phục vụ trong khiêm tốn và thầm lặng: không khua chiêng gõ mõ, không “mồm loa mép giải”, không “ngồi trên tòa ông Mô-sê” hoặc “đứng ở ngã ba ngã tư”, “ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng…, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc…” (Mc 23, 1-36).

Chung quy là hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Giêsu Kitô, Người Phục Vụ

 

Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta hôm nay: “Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí; vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng.” (Gal 6, 9) 

 

Nghĩa là khi phục vụ, khi làm việc thiện, bản năng thường hay nản chí, mệt mỏi, vì đòi hỏi nhiều hy sinh, thời giờ.. nên dễ chán nản. Nhưng suy cho cùng, nếu có thần khí cùng bước đi, hay nói một cách khác, nếu bước đi với thần khí, thì chúng ta sẽ gặt được hạnh phúc do sự lao nhọc của mình. Nếu chúng ta không làm điều thiện, không phục vụ tốt, thì không có kết quả để chúng ta gặt.

 

Người Anh có một câu ngạn ngữ:

 

Điều tôi tiêu đi thì tôi có
Điều tôi giữ lại thì tôi mất
Điều tôi cho đi thì tôi được.

Đó là lý luận của tình yêu.

 

Tình yêu lớn lên theo mức độ của sự trao ban. Có biết yêu thương con người mới thực sự triển nở và gặp lại chính mình. Có biết yêu thương thì con người mới tìm được hạnh phúc đích thật và một sự bình an trong cuộc sống:

 

Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta nói với chúng ta:

 

Thành quả của sự thinh lặng là cầu nguyện,
Thành quả của sự cầu nguyện là yêu thương,
Thành quả của yêu thương là phục vụ,
Thành quả của phục vụ là bình an.

Tôi đọc được bài này ở website của Dòng Tên:  “Tiến bước nhờ Thần Khí”

 

Khi tôi ngồi trong nhà
Một lời nhắn nhủ: “các con sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất’’ (CV 1,8)

 

Khi tôi bước ra cửa
Một mệnh lệnh: “Bình an cho anh em, Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20,21)

 

Khi tôi lao mình về phía trước
Một lời tuyên bố: “Tôi loan truyền Chúa đã chịu chết Cho tới khi Chúa đến.” (1Cr 11,26)

 

Khi tôi tìm đến với người khác
Một lời tâm niệm
Trở nên tất cả cho mọi người
Vì Tin Mừng. (1Cr 9,22-23)

 

Khi gặp gỡ, trò chuyện với bất cứ ai
Một tấm lòng
Hiền lành và khiêm nhường,
Một đôi tay
êm ái nhẹ nhàng. (Mt 11, 29-30)

 

Khi tôi quì gối, đêm về hay sáng sớm
Trong Thánh Thần
và với tấm lòng con thảo của Ngôi Hai,
Tôi đọc kinh lạy Cha,
Tôi gọi Cha ơi, ABBA,

Cha của chúng con., đấng ngự trên trời, Danh Người là Thánh
Và tôi lắng nghe tiếng Cha thì thầm gọi tôi,
Cha gọi tôi cùng với nhân thế,
những người anh em

 

Khi chỉ có mình tôi trên đường hay ở bất cứ đâu
Một cuộc hồi tâm: tôi suy đi nghĩ lại trong lòng để nhận biết đôi tay của Đấng Toàn Năng đã làm… biết bao điều cao cả (Lc 1, 49)

 

Như là lời cuối, tôi mượn câu cuối trong thư Thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Galata (6:17-18) để kết thúc bài chia sẻ này:

“Ước gì từ nay, tôi chẳng còn sợ ai làm phiền nữa, vì tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Ðức Giêsu. Thưa anh em, nguyện xin Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho thần trí anh em được đầy tràn ân sủng. Amen.”

 

 

 

Phó tế Phaolô-Maria Đức Tuấn